Trình bảo mật của iPhone 'thách thức' FBI - TVCUOCSONG.COM

Trình bảo mật của iPhone 'thách thức' FBI

Mới đây, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khẳng định công cụ mở khóa của cơ quan này không hoạt động trên các thiết bị từ iPhone 5s trở lên.

Cụ thể, theo lời Giám đốc FBI James Comey phát biểu tại Hội nghị Mã hóa và Giám sát ở ĐH Kenyon, bang Ohio – Mỹ chiều 6/4 (giờ địa phương), công cụ mở khóa của cơ quan này không hoạt động trên các thiết bị từ iPhone 5s trở về sau, bao gồm cả iPhone 6 và iPhone 6s.

Trước đó, liên quan tới vụ tay súng Syed Rizwan Farook và vợ đã giết 14 người trong vụ xả súng San Bernardino vào tháng 12/2015, FBI đã đề nghị Apple trợ giúp nhằm bẻ khóa thiết bị di động iPhone 5c của tên sát thủ.

Đáp lại, Apple cho biết: "Từ đầu, chúng tôi không đồng ý với yêu cầu của FBI đòi Apple tạo ra một cổng sau (backdoor) trong điện thoại iPhone vì chúng tôi tin rằng điều đó là sai và sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm".
Apple từ chối trợ giúp FBI trong việc phá bảo mật trên sản phẩm của mình (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, Apple nhấn mạnh với các quan chức thực thi pháp luật rằng không lường trước được hậu quả nếu tạo ra một “cổng sau” để truy cập vào iPhone. Trước mắt, nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề bảo mật của tất cả người dùng iPhone trên toàn thế giới.

Trong một tuyên bố hôm thứ Tư tại đại học Kenyon, bang Ohio, Mỹ, Giám đốc FBI James Comey thừa nhận cơ quan này đã phải mua bộ công cụ bẻ khóa iPhone từ một công ty tư nhân nước ngoài sau khi Apple từ chối tạo phiên bản phần mềm vô hiệu hóa tính năng bảo mật trên chiếc iPhone của kẻ thủ ác Syed Farook.

Ngay lập tức, Apple lo ngại công cụ bẻ khóa sẽ rơi vào tay bọn tội phạm và được chúng sử dụng để tấn công vào người dùng iOS. Tuy nhiên, ông Comey cho biết, công cụ chỉ có tác dụng với một số dòng thiết bị iPhone đời thấp. Nói cách khác, nó hoàn toàn vô hiệu trên iPhone 5s và loạt iPhone 6 series.

Đại diện Apple cho biết họ sẽ "tiếp tục nâng cao tính bảo mật của sản phẩm khi ngày càng nhiều sự đe dọa và tấn công tinh vi nhắm vào dữ liệu của chúng tôi".

Hiện nay, tính bảo mật hữu hiệu trên các dòng điện thoại iPhone của Apple đã được người dùng thừa nhận. Đơn cử một ví dụ nhỏ, từ bản iOS 7 về sau, Apple đã trang bị tính năng Activation Lock nhằm bảo vệ dữ liệu người dùng khi iPhone, iPad bị mất. Theo Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), việc làm của Apple đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế tình trạng mất trộm các sản phẩm chạy iOS, đặc biệt tại các thành phố lớn như San Francisco, California, New York (Mỹ) hay tại London (Anh).

Báo cáo nói rằng, 6 tháng kể từ khi Activation Lock được Apple giới thiệu, số vụ trộm cắp iPhone tại San Francisco đã giảm 38%. Trong năm 2009, smartphone của Apple chiếm tới 69% số vụ mất cắp điện thoại thông minh nói chung. Tại New York cũng thu được những tín hiệu tương tự, số vụ mất trộm iPhone giảm còn 19%. London, Anh cũng trở nên an toàn hơn với số vụ trộm iPhone giảm 24% kể từ khi Activation Lock được triển khai.
Apple đang dần nâng cấp trình bảo mật của iPhone lên một đẳng cấp mới.

Theo những người gần gũi với Apple và các chuyên gia bảo mật, các kỹ sư của Apple đã bắt đầu phát triển các biện pháp bảo mật mới, có thể làm cho chính phủ không thể đột nhập vào chiếc iPhone bị khóa mã bằng các biện pháp thông thường, thậm chí chính Apple cũng không thể giải mã được.

Đối với Apple, bảo mật còn là một chiến lược marketing toàn cầu. Các biện pháp bảo mật mới sẽ không chỉ giúp công ty trong cuộc chiến với chính phủ, mà còn trấn an các nhà đầu tư và khách hàng.

Kiều Hương (T.H)
Nguồn: Báo Người Đưa Tin
Trình bảo mật của iPhone 'thách thức' FBI  Trình bảo mật của iPhone 'thách thức' FBI Reviewed by Unknown on tháng 4 09, 2016 Rating: 5
Được tạo bởi Blogger.